Kiến trúc Việt Nam đang đứng trước sứ mệnh lịch sử

Dự lễ trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025, tối 20/5, tại TP. Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng kiến trúc Việt Nam đang đứng trước sứ mệnh lịch sử: Kiến tạo những không gian sống an toàn, bền vững, và giàu bản sắc.

Kiến trúc Việt Nam đang đứng trước sứ mệnh lịch sử- Ảnh 1.

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Kiến trúc Việt Nam hôm nay là bức tranh sống động, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của đất nước trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế                                                                                                                                                - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Lan tỏa giá trị kiến trúc Việt

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 ghi nhận 239 tác phẩm dự thi thuộc các thể loại: Kiến trúc công trình; Kiến trúc nội - ngoại thất và Kiến trúc cảnh quan - Thiết kế đô thị; Quy hoạch; Nghiên cứu - Lý luận - Phê bình kiến trúc.

Các tác phẩm tham gia năm nay đều có sự tiến bộ cả về số lượng và chất lượng, thể hiện sự đa dạng, phong phú về loại hình, từ các công trình phổ biến như nhà ở, nhà hàng đến các dự án cao cấp như khách sạn, du thuyền,...

Đáng chú ý, sự trở lại của các tác phẩm hạng mục bảo tồn di sản là tín hiệu tích cực, thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và việc tôn trọng, ứng xử với di sản quá khứ, hướng tới một tương lai bền vững.

Bên cạnh đó, các tác phẩm đạt giải năm nay cho thấy tư duy sáng tạo của kiến trúc sư Việt Nam đã có sự đổi mới, cập nhật xu hướng thế giới, đồng thời chú trọng khai thác bản sắc văn hóa truyền thống, đề cao tính công năng và bối cảnh công trình.

Hội đồng Giải thưởng đã chọn ra 53 tác phẩm xuất sắc để trao giải và vinh danh, gồm có: 1 giải thưởng Lớn, 5 giải Vàng, 12 giải Bạc, 35 giải Đồng. Bên cạnh đó, Giải thưởng còn vinh danh đơn vị đạt nhiều thành tích nhất trong kỳ giải thưởng, Giải thưởng "Vì sự phát triển kiến trúc" và giải thưởng dành cho tác phẩm được cộng đồng bình chọn nhiều nhất.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, qua 16 lần tổ chức, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia là Giải thưởng kiến trúc danh giá nhất, cao quý nhất của Việt Nam, tôn vinh những tác phẩm xuất sắc nhất, là kết tinh của tâm huyết, trí tuệ, sáng tạo và trách nhiệm xã hội của các kiến trúc sư Việt Nam.

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 không chỉ là sự công nhận cho những tác phẩm xuất sắc, mà còn là lời hiệu triệu để các kiến trúc sư tiếp tục cống hiến, đổi mới, và lan tỏa những giá trị tốt đẹp.

Kiến trúc Việt Nam đang đứng trước sứ mệnh lịch sử- Ảnh 2.

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Đinh Thị Mai trao Giải thưởng Lớn của Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 cho tác phẩm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt                                                                                                         Nam, thuộc hạng mục Kiến trúc công cộng - Ảnh: VGP/Minh Khôi
 

Những cây cầu nối đa sắc, đa chiều, sống động

Theo Phó Thủ tướng, kiến trúc là một ngành sáng tạo nghệ thuật và khoa học trong tổ chức không gian sống, làm việc, nghỉ ngơi một cách thuận tiện, thẩm mỹ, an toàn, nhân văn, bền vững và thân thiện với môi trường.

Kiến trúc cũng là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa con người và thiên nhiên, giữa bản sắc dân tộc và tinh hoa thế giới. Mỗi công trình kiến trúc là một câu chuyện sống động, phản ánh lịch sử, văn hóa, và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam.

Từ những ngôi Đình, mái Chùa cổ kính, thuần Việt, Nhà hát Lớn Hà Nội với phong cách kiến trúc Pháp cổ điển, đến các khu đô thị hiện đại, đa phong cách, hài hòa với thiên nhiên như Phú Mỹ Hưng, Ecopark; hay cầu Vàng - cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới 4 năm liền, top 10 kỳ quan mới của thế giới theo bình chọn của thế hệ trẻ, và rất nhiều công trình, cụm công trình nổi tiếng khác, kiến trúc Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế trên bản đồ kiến trúc thế giới.

Kiến trúc Việt Nam hôm nay là bức tranh sống động, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của đất nước trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, với nền tảng văn hóa dân tộc đặc sắc, tiếp thu có lựa chọn tinh hoa thế giới, bằng lao động sáng tạo, các thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đã đóng góp đặc biệt quan trọng trong phát triển đô thị, nông thôn giàu bản sắc, văn minh, hiện đại, kết nối các giá trị di sản với xu thế hiện đại.

Trong dòng chảy đó, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia đã tôn vinh những kiến trúc sư tài năng, những tác phẩm xuất sắc của kiến trúc Việt, đồng thời cổ vũ xu hướng kiến trúc mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

"Chúng ta được nhìn thấy ở Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 sự giao thoa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa công năng và thẩm mỹ; giữa tiện nghi, kinh tế và tính bền vững", Phó Thủ tướng chia sẻ và bày tỏ ấn tượng với xu hướng nổi bật là kiến trúc xanh, sinh thái, hài hòa giữa con người và thiên nhiên, đồng thời bảo tồn và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.

Những công trình được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 không chỉ là kết tinh của tài năng và tâm huyết, mà còn thể hiện trách nhiệm sâu sắc của các kiến trúc sư đối với xã hội, môi trường, và tương lai bền vững của đất nước.

Kiến trúc Việt Nam đang đứng trước sứ mệnh lịch sử- Ảnh 3.

       

                                           Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Bộ Xây dựng và các tác giả, nhóm tác giả đạt Giải Vàng của Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Kiến tạo không gian sống an toàn, bền vững, và giàu bản sắc

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức chưa từng có từ biến đổi khí hậu, thiên tai, đến quá trình đô thị hóa nhanh chóng, Phó Thủ tướng cho rằng kiến trúc Việt Nam đang đứng trước sứ mệnh lịch sử: Kiến tạo những không gian sống an toàn, bền vững, và giàu bản sắc.

Các công trình kiến trúc không chỉ cần đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ và công năng, mà còn phải trở thành những giải pháp tiên phong, ứng phó với những vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, lũ lụt, sạt lở, đồng thời góp phần xây dựng các đô thị thông minh và nông thôn hiện đại, giàu bản sắc văn hóa Việt.

Phó Thủ tướng mong muốn Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các kiến trúc sư trên cả nước tiếp tục tiên phong tham gia tích cực, sâu sắc, hiệu quả hơn nữa trong việc tham mưu chính sách, đặc biệt là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc, quản lý đô thị.

Mục tiêu đặt ra là, phát triển đô thị, nông thôn theo quy hoạch, có kế hoạch. Công tác quản lý Nhà nước cần định hình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam; kiến tạo không gian thuận lợi để các kiến trúc sư sáng tạo, chuyển tải các giá trị truyền thống, giá trị thời đại vào bộ mặt đô thị, nông thôn Việt Nam, tạo ra những đô thị, làng mạc mang hồn cốt, đường nét đặc sắc văn hóa Việt Nam.

Các chuyên gia, kiến trúc sư phải có ý thức rất cao trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; và được tham gia từ quá trình quy hoạch tổng thể đến thiết kế, thi công những công trình cụ thể, để đảm bảo ngôn ngữ kiến trúc thống nhất, bổ trợ, không xung đột lẫn nhau.

Chú trọng đẩy mạnh phát triển kiến trúc xanh và bền vững, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo, và các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), và Internet vạn vật (IoT) để thiết kế những công trình thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và an toàn trước thiên tai.

Đóng góp trí tuệ vào quy hoạch đô thị và phát triển nhà ở xã hội, đề xuất các giải pháp giảm giá thành xây dựng, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội sống trong những không gian an toàn, tiện nghi và nhân văn; nghiên cứu, đề xuất các phương án kiến trúc, giải pháp công trình an toàn, bền vững, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, thiên tai,…

"Hội Kiến trúc sư Việt Nam và từng kiến trúc sư tài năng hãy khát vọng, bắt tay kiến tạo những công trình kiến trúc mang dấu ấn văn hóa, dấu ấn đặc trưng của từng vùng đất, từng địa phương và của cả nước", Phó Thủ tướng kêu gọi và khẳng định cam kết của Chính phủ sẽ "tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển nền kiến trúc Việt Nam đặc sắc, hiện đại, thông qua các chính sách minh bạch, khuyến khích đổi mới sáng tạo, và hỗ trợ ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong kiến trúc".

"Chính phủ và nhân dân kỳ vọng các kiến trúc sư sẽ tiếp tục là những người tiên phong, kiến tạo những công trình mang dấu ấn Việt Nam, không chỉ là niềm tự hào quốc gia mà còn là biểu tượng của sự vươn mình sánh vai với các cường quốc năm châu", Phó Thủ tướng nói và tin tưởng "với tài năng, tâm huyết, và khát vọng, giới Kiến trúc sư Việt Nam sẽ tạo nên những kiệt tác kiến trúc, để lại di sản trường tồn cho các thế hệ mai sau".

Xem nhiều nhất

Thủ tướng yêu cầu 100% TTHC liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến

Tin trong nước 1 ngày trước

Thủ tướng yêu cầu 100% TTHC liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyếnThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 69/CĐ-TTg ngày 22/5/2025 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung hoàn thành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.Thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2025 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026, đến ngày 20 tháng 5 năm 2025, các bộ, ngành, địa phương đã tổng hợp, thống kê, công bố tổng số 6.358 TTHC (gồm: 5.801 TTHC thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành; 557 TTHC được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật của địa phương), có 4.377 TTHC (chiếm 68,8%) liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; 8.977 điều kiện kinh doanh; 3.086 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; 886 tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến thực hiện TTHC sản xuất, kinh doanh; 640 chế độ báo cáo của doanh nghiệp; tổng số chi phí tuân thủ TTHC hằng năm là hơn 120 nghìn tỷ đồng/năm; tổng thời gian giải quyết của 4.377 TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.Để kịp thời cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ TTHC đáp ứng mục tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung triển khai một số nội dung sau:1. Tập trung hoàn thành việc cập nhật, công khai kết quả tổng hợp, thống kê TTHC, điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ TTHC thuộc phạm vi quản lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trước ngày 10 tháng 6 năm 2025.Cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết TTHC, 30% chi phí tuân thủ TTHC, 30% điều kiện kinh doanh trong năm 20252. Khẩn trương tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết TTHC, ít nhất 30% chi phí tuân thủ TTHC, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025 và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo, thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04 tháng 5 năm 2025 về phát triển kinh tế tư nhân và của Chính phủ tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2025.Giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm". Người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.Minh bạch hoá, số hoá, tự động hoá, áp dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính, nhất là thành lập, giải thể doanh nghiệp, đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm,...3. Tiếp tục hoàn thành việc thực thi phương án về phân cấp thẩm quyền giải quyết của 307 TTHC đã được phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2025. 100% TTHC nội bộ được rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa phù hợp với quy định mới của pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền và việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, theo lộ trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.Thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh4. Bảo đảm 100% TTHC liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; tổ chức triển khai thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh, hoàn thành trong năm 2025.5. Giao các Đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ TTHC, thời gian giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan, địa phương theo các mục tiêu, yêu cầu, chỉ đạo tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ và các nhiệm vụ tại Công điện này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện (trong báo cáo cải cách TTHC) trước ngày 25 hằng tháng.6. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên; kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền./.