Thủ tướng: Cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trước 31/10/2025

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025, sớm hơn 2 tháng so với mục tiêu ban đầu đã đề ra; trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sĩ (xong trước ngày 27/7) và người có công với cách mạng (xong trước ngày 2/9).

Thủ tướng: Cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trước 31/10/2025- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025, sớm hơn 2 tháng so với mục tiêu ban đầu đã đề ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 11/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát và nhiệm vụ thời gian tới.

Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu kết luận, thay mặt Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan, các địa phương trong việc tích cực triển khai Chương trình và chuẩn bị chu đáo Phiên họp trực tuyến thứ tư của Ban Chỉ đạo Trung ương với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Sau một buổi làm việc khẩn trương, Phiên họp đã cơ bản thống nhất nội dung báo cáo do Bộ Dân tộc và Tôn giáo chuẩn bị và ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, đại biểu dự họp.

Thủ tướng: Cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trước 31/10/2025- Ảnh 2.

Thủ tướng nêu rõ, Đảng ta không có mục tiêu nào khác là bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền của đất nước và mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng giao Bộ Dân tộc và Tôn giáo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp đầy đủ các ý kiến xác đáng, sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông báo Kết luận Phiên họp để triển khai thực hiện.

Thủ tướng bổ sung, nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm.

Mỗi căn nhà là "một món quà", "một tình thương", "một mái ấm"

Về ý nghĩa của Chương trình, Thủ tướng nêu rõ, Đảng ta không có mục tiêu nào khác là bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền của đất nước và mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Chúng ta đã kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng, 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chuẩn bị kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh, không thể để người dân không có chỗ ở hoặc ở trong nhà tạm, nhà dột nát.

Xác định đây là công việc có ý nghĩa rất lớn, rất nhân văn, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thời gian qua, việc khánh thành, khởi công các công trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo phong trào, xu thế, khí thế thi đua sôi nổi trong các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đem lại ý nghĩa quan trọng trên nhiều khía cạnh, đặc biệt trong năm 2025 - năm diễn ra nhiều ngày lễ lớn, các sự kiện, lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước:

Mỗi căn nhà là "một món quà", "một tình thương", "một mái ấm" ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm, tình thương, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia của cả cộng đồng; thể hiện niềm tin, sự phấn khởi của nhân dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc này hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng; thể hiện mục tiêu, bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ ta, Đảng ta với tư tưởng "Dân là gốc"; "không để ai bị bỏ lại phía sau"; phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo đảm công bằng, tiến bộ và an sinh xã hội; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng: Cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trước 31/10/2025- Ảnh 3.

Thủ tướng nêu rõ, hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là nhiệm vụ hết sức ý nghĩa nhưng cũng rất nặng nề nhưng hết sức vinh quang, là sứ mệnh, tình cảm của trái tim, lương tri, trách nhiệm với cộng đồng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng với đó, khẳng định những giá trị văn hóa và truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc: Đền ơn, đáp nghĩa, tương thân tương ái, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều... Khơi dậy và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự chung tay của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, một điểm tựa của chúng ta trong quá trình phát triển; kêu gọi sự vào cuộc, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị với tinh thần "mỗi người góp một tay, mỗi nhà san sẻ một phần", "ai có gì giúp nấy, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít, ai có công giúp công, ai có của giúp của".

Đồng thời, thể hiện sự chủ động, tích cực, sáng tạo, linh hoạt triển khai tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, các bộ, ngành, địa phương nhằm giúp người dân "an cư lạc nghiệp", từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững với quan điểm: "Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm đã thực hiện phải có kết quả cụ thể"; "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Tổ quốc mong đợi, nhân dân ủng hộ, người nghèo, người khó khăn trông ngóng và hy vọng thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Tính đến ngày 7/5, 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát

Về tình hình, kết quả triển khai thực hiện, Thủ tướng đánh giá ngay sau Phiên họp thứ ba, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã tập trung huy động nguồn lực, tổ chức triển khai hiệu quả, đạt nhiều kết quả thiết thực.

Cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được gần 209.000 căn, hoàn thành, bàn giao hơn 111.000 căn để các hộ gia đình được ở trong ngôi nhà mới; xây dựng hơn 98.000 căn. Từ sau Phiên thứ ba đến nay (đúng 2 tháng), tăng gần 87.000 căn nhà.

Thủ tướng: Cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trước 31/10/2025- Ảnh 4.

Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ Công an tiếp tục hỗ trợ thêm để xây dựng 4.444 căn nhà với kinh phí hơn 283 tỷ đồng; Bộ Quốc phòng hỗ trợ thêm để xây dựng 3.550 căn nhà với kinh phí khoảng 195 tỷ đồng; với nguồn chủ yếu từ đóng góp của cán bộ, chiến sĩ. Ngành ngân hàng tiếp tục vận động các tổ chức tín dụng hỗ trợ bổ sung khoảng 130 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát, giao Bộ Dân tộc và Tôn giáo là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng biểu dương Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã nhanh chóng ổn định tổ chức, tích cực triển khai công việc, không để khoảng trống, gián đoạn trong chỉ đạo, điều hành.

Thủ tướng biểu dương Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nhanh chóng có văn bản hướng dẫn bố trí đất xây dựng nhà ở đối với hộ có khó khăn về đất ở (vấn đề nhiều địa phương kiến nghị nhất). Tinh thần là chưa có đất thì cấp đất, đất chưa đủ thì bổ sung, có đất rồi mà chưa có giấy tờ thì cấp giấy tờ.

Thủ tướng biểu dương Bộ Xây dựng cũng đã tích cực ban hành văn bản hướng dẫn địa phương nghiên cứu, thiết kế, công bố các mẫu nhà ở điển hình. Đến nay, 100% các địa phương đã ban hành từ 3 đến 8 mẫu thiết kế nhà ở điển hình phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán, đặc điểm của từng địa phương và đã công khai trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng biểu dương các cơ quan báo chí, truyền thông đã làm tốt công tác truyền thông về phong trào, nhất là về hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Thủ tướng biểu dương 100% địa phương đã hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; ban hành quy chế hoạt động và Kế hoạch triển khai Phong trào. Nhiều địa phương đã về đích và đặt mục tiêu về đích sớm hơn kế hoạch trước đó trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn.

Thủ tướng: Cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trước 31/10/2025- Ảnh 5.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tính đến ngày 7/5/2025, có 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Cần Thơ, Khánh Hòa, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Phước, Vĩnh Long, Kiên Giang.

Trong tháng 5/2025, để thiết thực kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự kiến có thêm 6 địa phương hoàn thành Chương trình, gồm Sơn La, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Long An và Hòa Bình.

Trong tháng 6/2025, dự kiến có thêm 16 địa phương hoàn thành Chương trình, gồm Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Bình Thuận, Kon Tum, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Hà Giang, Hà Nam, Lai Châu.

26 địa phương còn lại phấn đấu từ tháng 7 đến tháng 10/2025 hoàn thành Chương trình (tháng 7: 4 địa phương; tháng 8: 4 địa phương; tháng 9: 9 địa phương và tháng 10: 9 địa phương).

Thay mặt Ban Chỉ đạo, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, ngành ngân hàng, các cơ quan truyền thông, các bộ, cơ quan, địa phương, các đơn vị tài trợ đã chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đồng thời, trân trọng cảm ơn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã hưởng ứng tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của Chương trình.

Bên cạnh đó, một số địa phương có số nhà tạm, nhà dột nát chưa khởi công còn lớn; việc báo cáo, thống kê, cập nhật số liệu còn chậm; còn tình trạng chưa nghiên cứu kỹ văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương nên vẫn kiến nghị những nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận, hướng dẫn… Còn vướng mắc thủ tục nên chưa phân bổ được kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ.

Thủ tướng: Cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trước 31/10/2025- Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việc triển khai tại một số địa bàn gặp khó khăn do người dân sống phân tán, giao thông khó khăn, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa; hộ dân tại một số nơi còn phụ thuộc vào các yếu tố phong tục, tập quán như chọn tuổi, xem ngày khởi công…

Phân tích nguyên nhân của những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng nhấn mạnh, những địa phương nào làm tốt đều có sự quan tâm, vào cuộc tích cực, quyết liệt của các đồng chí Bí thư, Chủ tịch. Trong khi đó, ở một số địa phương, ban chỉ đạo, người đứng đầu quyết tâm chưa cao, chưa quyết liệt.

Về nguyên nhân khách quan của tồn tại, hạn chế, chương trình triển khai đồng loạt trong cùng một thời điểm, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương dẫn đến khó khăn trong việc cung cấp nguyên vật liệu xây dựng và nhân lực xây dựng; triển khai trên quy mô rộng trong thời gian ngắn, nhiều đối tượng hỗ trợ ở các địa bàn khó khăn.

Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nêu rõ, phải đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu địa phương và các ban chỉ đạo; phát huy chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Phân công thực hiện bảo đảm 6 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả". Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của địa phương kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát; tập trung tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn; kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà. Nêu cao tinh thần trách nhiệm với người có công, người nghèo, lo toan cho người dân; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, không trông chờ, ỷ lại của các địa phương trong thực hiện Chương trình.

Thủ tướng: Cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trước 31/10/2025- Ảnh 7.

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Thần tốc và táo bạo hơn nữa", "quyết chiến, quyết thắng"

Về quan điểm, định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu không thay đổi, dứt khoát không để người dân nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát, chỉ bàn làm, không bàn lùi; cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025, sớm hơn 2 tháng so với mục tiêu ban đầu. Ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sĩ (xong trước ngày 27/7) và người có công với cách mạng (xong trước ngày 2/9).

Thủ tướng nhấn mạnh phương châm "nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", "mỗi người góp một tay, mỗi nhà san sẻ một phần", "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít". Đa dạng hóa nguồn lực thực hiện Chương trình theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Huy động sự vào cuộc của tất cả các lực lượng trên địa bàn (quân đội, công an, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, họ hàng, làng xóm...).

Người đứng đầu các cơ quan, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả; nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật. Bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền, có phản ứng chính sách, giải pháp phù hợp, đúng thời điểm, xử lý ngay, dứt điểm các vấn đề phát sinh; báo cáo, đề xuất ngay những vấn đề vượt thẩm quyền.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí. Kịp thời động viên, khen thưởng những nơi làm tốt và xử lý kỷ luật những nơi sai phạm, chậm trễ.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực truyền cảm hứng để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ, đồng hành trong triển khai thực hiện Chương trình với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Thủ tướng: Cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trước 31/10/2025- Ảnh 8.

Thủ tướng nhấn mạnh phương châm "nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", "mỗi người góp một tay, mỗi nhà san sẻ một phần", "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Dân tộc và Tôn giáo theo dõi sát, thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến 31/10/2025 để hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; cập nhật hằng ngày tình hình, kết quả triển khai chương trình trên cả nước.

Tiếp tục cập nhật, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc của địa phương để chủ động giải quyết theo thẩm quyền; kịp thời tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền. Chủ trì họp trực tuyến với các địa phương còn nhiều khó khăn trong triển khai để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc.

Phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí huy động tại Chương trình phát động và kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 phù hợp với nhu cầu thực tế qua rà soát của địa phương; hoàn thành trước ngày 20/5/2025.

Phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ nguồn kinh phí từ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương cho các địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; hoàn thành trước ngày 20/5/2025.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức sơ kết Chương trình vào cuối tháng 6/2025 để kịp thời đánh giá tình hình, đề xuất giải pháp và khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong tổ chức thực hiện Chương trình.

Với Bộ Tài chính, trong thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa quyết định về kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, Thủ tướng đề nghị cho phép các địa phương tạm ứng kinh phí từ nguồn quỹ của địa phương để hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng bảo đảm trong tổng số nhà đã phê duyệt, số kinh phí đã báo cáo. Chủ trì trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân bổ kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ để các địa phương triển khai thực hiện.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn mức hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm thống nhất với mức hỗ trợ chung của Chương trình; hoàn thành trong tháng 5/2025. Chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hoàn thành theo mục tiêu đặt ra.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng trong hệ thống tích cực tham gia hỗ trợ và chuyển kinh phí hỗ trợ cho các địa phương.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục xây dựng các chuyên đề, tuyến bài, các chương trình lan toả mạnh mẽ phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tạo đồng thuận xã hội, chung tay ủng hộ, chia sẻ, hỗ trợ Chương trình.

Các địa phương kịp thời rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp tại địa phương phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sau khi sắp xếp để chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương, bảo đảm tính liên tục, không gián đoạn.

Ưu tiên tổ chức triển khai ngay hỗ trợ nhà ở cho người có công khi nhận nguồn kinh phí phân bổ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc huy động, vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ các hộ dân, tiết kiệm chi phí xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Kịp thời nắm bắt và giải quyết ngay các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai. Tăng cường công tác truyền thông, kịp thời lan tỏa tấm gương điển hình, cách làm hay, sáng tạo.

Các địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, đúng đối tượng được hỗ trợ của số liệu rà soát; có trách nhiệm huy động nguồn lực bảo đảm cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Các địa phương đã hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát thì tiếp tục rà soát, các địa phương còn nhà tạm, nhà dột nát thì đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước ngày 31/10/2025.

Thủ tướng nêu rõ, hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là nhiệm vụ hết sức ý nghĩa nhưng cũng rất nặng nề nhưng hết sức vinh quang, là sứ mệnh, tình cảm của trái tim, lương tri, trách nhiệm với cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần "thời điểm đặc biệt, khí thế đặc biệt, nỗ lực đặc biệt tạo nên kết quả đặc biệt", "thần tốc và táo bạo hơn nữa", "quyết chiến, quyết thắng", đề cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân để triển khai Chương trình, hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Hà Văn

 

Xem nhiều nhất

Thủ tướng dự lễ khởi công tuyến cao tốc huyết mạch qua Thái Bình, Nam Định

Tin trong nước 1 ngày trước

                                                           Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự lễ khởi công tuyến cao tốc huyết mạch qua Thái Bình, Nam Định - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Cùng dự có đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Thái Bình và các địa phương.Lễ đồng khởi công dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình và Dự án khu công nghiệp Hưng Phú là dấu mốc mới trong hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh Thái Bình.Tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (cao tốc CT.08) có tổng chiều dài 117 km và đi qua các tỉnh Vùng duyên hải Bắc Bộ. Đây là trục giao thông chiến lược rất quan trọng, giúp kết nối các tỉnh khu vực phía nam sông Hồng, Bắc miền Trung với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) và các tỉnh Duyên hải vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối với các sân bay quốc tế Cát Bi và Vân Đồn, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tăng cường khả năng kết nối giao thông trong khu vực và giữa các địa phương Duyên hải Bắc Bộ, mở ra không gian phát triển mới cho Vùng phía nam Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ nói chung và các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình nói riêng.                                                                    Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là 2 dự án quan trọng, rất ý nghĩa với tỉnh Thái Bình và vùng - Ảnh: VGP/Nhật BắcTrong đó, đoạn qua Ninh Bình đã triển khai đầu tư công, đoạn qua Hải Phòng đã giao Hải Phòng triển khai. Đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có tổng mức đầu tư (bao gồm cả lãi vay) gần 20.000 tỷ đồng, được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP), đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với quy mô đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, nền đường rộng 24,75 m; đoạn tuyến có chiều dài khoảng 60,9 km, trong đó đoạn qua tỉnh Nam Định dài 27,6 km và đoạn qua tỉnh Thái Bình dài khoảng 33,3 km.Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2027, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2028. Đây là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên được Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện, Tập đoàn Geleximco cùng liên danh là chủ đầu tư.Dự án khu công nghiệp Hưng Phú cũng do Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư, có diện tích trên 200 ha, với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, thuộc Khu kinh tế Thái Bình, có vị trí chiến lược thuận lợi tiếp giáp với vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; kết nối với các tỉnh, thành phố lớn trong khu vực thông qua tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.Là khu công nghiệp được giải phóng mặt bằng nhanh nhất của tỉnh Thái Bình, Khu công nghiệp Hưng Phú sau khi hoàn thành sẽ góp phần phần phát triển hạ tầng công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.                Theo Thủ tướng, muốn làm giàu, phát triển công nghiệp thì phải làm đường, trong khi tại đồng bằng sông Hồng thì Thái Bình là tỉnh khó khăn nhất về giao thông - Ảnh: VGP/Nhật BắcTheo báo cáo của tỉnh Thái Bình, thời gian qua, thực hiện theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thái Bình đã tập trung nguồn lực để phát triển mạng lưới giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện quan trọng để phát triển các khu công nghiệp và thu hút các nhà đầu tư.Từ năm 2021 đến nay, Thái Bình đã hoàn thành đầu tư mới và nâng cấp, mở rộng 1.182 km đường ở 4 cấp; nâng tổng chiều dài đường bộ của tỉnh lên trên 9.300 km, trong đó quốc lộ trên 151 km với 4 tuyến, 25 cầu; đường tỉnh dài trên 340 km với 34 tuyến, 102 cầu.Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã thành lập mới 4 khu công nghiệp (Liên Hà Thái, Hải Long, VSIP, Hưng Phú) với tổng diện tích 1.427 ha, nâng tổng số khu công nghiệp toàn tỉnh lên 11 khu với tổng diện tích 2.768 ha.Thái Bình đã có sự bứt phá về kinh tế, trong giai đoạn 2020-2025, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 14,3%/năm, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,36%/năm, quy mô kinh tế tăng 1,7 lần.                                                                                  Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại Lễ khởi công - Ảnh: VGP/Nhật BắcPhấn đấu rút ngắn tiến độ 6 tháng, hoàn thành năm 2026Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là 2 dự án quan trọng, rất ý nghĩa với tỉnh Thái Bình và vùng, góp phần chào mừng kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.Thủ tướng cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ này, ông đã có cuộc làm việc với Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, trong đó xác định nút thắt về giao thông kết nối, để tháo gỡ thì phải có tuyến đường cao tốc kết nối giữa 4 địa phương, kết nối với cửa khẩu, sân bay, cảng biển, kết nối với 3 cực tăng trưởng phía bắc là Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng và kết nối quốc tế, từ đó tạo đột phá phát triển cho các địa phương.Thủ tướng đánh giá, Thái Bình là tỉnh giàu truyền thống lịch sử - cách mạng, văn hiến, văn hóa và nhân văn, nhân dân Thái Bình đã đóng góp, hy sinh lớn trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Tỉnh đã có nhiều nỗ lực phát triển, đến nay là tỉnh không nghèo nhưng cũng chưa giàu, tăng trưởng nông nghiệp cao nhưng chưa phát triển mạnh công nghiệp.                                                                                               Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền phát biểu tại Lễ khởi công - Ảnh: VGP/Nhật BắcTheo Thủ tướng, muốn làm giàu, phát triển công nghiệp thì phải làm đường, trong khi tại đồng bằng sông Hồng thì Thái Bình là tỉnh khó khăn nhất về giao thông. Từ năm 2021 đến nay, Thái Bình đã hoàn thành đầu tư mới và nâng cấp, mở rộng 1.182 km đường ở 4 cấp, nhưng nhìn chung mới có đường phục vụ phát triển nông nghiệp chứ chưa có nhiều tuyến đường phục vụ phát triển công nghiệp.Thủ tướng nhắc lại việc từng đề xuất với Thủ tướng Singapore về việc xây dựng khu công nghiệp VSIP tại Thái Bình và Nam Định, khi đó phía bạn cũng đã nhấn mạnh yêu cầu phát triển hệ thống giao thông.Thủ tướng nhấn mạnh, việc triển khai dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng sẽ góp phần thực hiện đường lối, chính sách của Đảng về phát triển kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược; tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng, liên kết tỉnh, tạo động lực, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh, cho vùng Duyên hải Bắc Bộ; phát triển của các khu công nghiệp, thu hút đầu tư; khai thác hiệu quả quỹ đất; thúc đẩy giao lưu, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp – dịch vụ; bảo đảm an ninh quốc phòng; góp phần thực hiện thành công mô hình hợp tác công tư về đầu tư phát triển hạ tầng; góp phần tri ân với những người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp chung và nâng cao đời sống của nhân dân, thay đổi bộ mặt của các tỉnh, thành phố và cả nước.Theo Thủ tướng, dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu phí dài, để có đủ điều kiện khởi công dự án này, các cơ quan đã phải cùng nhau xử lý một khối lượng lớn công việc để giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc như cơ chế chính sách, công tác quy hoạch, lập cũng như điều chỉnh dự án, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư, thu xếp vốn. Thủ tướng nhân dịp này đề nghị các bộ, ngành đề xuất sửa đổi các quy định theo hướng đơn giản, đỡ mất thời gian, lãng phí công sức, thuận tiện cho doanh nghiệp và người dân.Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao tỉnh Thái Bình, chủ đầu tư, các bộ, ngành đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để đồng khởi công các dự án; cảm ơn nhân dân tỉnh Thái Bình đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà cửa, nơi sinh sống để có mặt bằng triển khai các dự án quan trọng này.Với dự án cao tốc đoạn qua Nam Định, Thái Bình, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thái Bình cần sớm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục bảo đảm chặt chẽ; chú trọng các biện pháp kỹ thuật để xử lý nền đất yếu; quan tâm bảo đảm đủ nguồn cát, nguyên vật liệu cho dự án trong bối cảnh tỉnh hạn chế về nguyên vật liệu; bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, không đội vốn, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường; bảo đảm đời sống người dân bị ảnh hưởng, nhường mặt bằng cho dự án.Với khu công nghiệp Hưng Phú, Thủ tướng đánh giá cao và đề nghị thực hiện tốt hơn nữa mô hình hợp tác công tư "lãnh đạo công – quản trị tư", thúc đẩy quản trị thông minh, thu hút các dự án công nghệ cao, hiện đại, phát triển theo hướng xanh, số, bền vững.                                                                                  Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án - Ảnh: VGP/Nhật BắcNêu rõ việc khởi công các hạng mục chỉ là bước khởi đầu, chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, nhà thầu giữ đúng cam kết, khẩn trương huy động tối đa máy móc, nhân lực để tổ chức thi công trên tinh thần "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "chỉ bàn làm, không bàn lùi".Các bộ, ngành liên quan cắt giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; phối hợp chặt chẽ với địa phương, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật; kiên quyết không đùn đẩy, né tránh công việc.Lãnh đạo tỉnh Thái Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xuống tận công trình để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, động viên nhà đầu tư, nhà thầu, cán bộ, công nhân, người lao động, không để họ cô đơn trên công trình; quan tâm đời sống người dân; tháo gỡ vấn đề nguyên vật liệu; khẩn trương quy hoạch để khai thác, phát huy tối đa lợi ích từ tuyến cao tốc.Thủ tướng cũng lưu ý Thái Bình quy hoạch, triển khai lấn biển để phát triển. Các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với nhau để khai thác hiệu quả tuyến đường huyết mạch quan trọng này. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương giải quyết công việc theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.Phát huy kinh nghiệm từ các dự án cao tốc trên cả nước thời gian qua, Thủ tướng đề nghị rút ngắn thời gian, phấn đấu vượt tiến độ dự án cao tốc qua Nam Định, Thái Bình ít nhất 6 tháng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2026, đưa tuyến đường vào khai thác càng sớm thì tỉnh Thái Bình có lợi, vùng đồng bằng sông Hồng có lợi và nhân dân sớm được thụ hưởng thành quả.