Việt Nam - Nhật Bản: Cùng tạo nên xung lực mới, làn sóng mới trong chuyển đổi số

Sáng 30/5, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác Chính phủ dự Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2025 tại Tokyo, Nhật Bản.

Việt Nam - Nhật Bản: Cùng tạo nên xung lực mới, làn sóng mới trong chuyển đổi số- Ảnh 1.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp, nhà khoa học, đến người dân Nhật Bản, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản hãy cùng nhau tạo nên một xung lực mới, một làn sóng mới cho trong lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số giữa hai nước - Ảnh: VGP/Thu Sa

Một số xu hướng lớn về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, thế giới đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi sâu rộng, nơi những ngành công nghệ chiến lược đang thay đổi căn bản cấu trúc của nền kinh tế và định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong đó, xuất hiện một số xu hướng lớn về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, như: Dòng vốn đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là vốn FDI ngày càng tăng; AI phát triển ngày càng nhanh và tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế; hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển dựa trên nền tảng của các hệ sinh thái xuyên biên giới; cạnh tranh ngày càng khốc liệt về nguồn lực cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, dữ liệu và năng lực tính toán...

Cùng với đó, Chính phủ các nước đang nhanh chóng điều chỉnh chính sách với tham vọng dẫn dắt lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đặc biệt là trong các ngành chiến lược, như bán dẫn, AI...

Không nằm ngoài các xu hướng này, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam chủ trương xem KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc...

Việt Nam - Nhật Bản: Cùng tạo nên xung lực mới, làn sóng mới trong chuyển đổi số- Ảnh 2.

 

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam chủ trương xem KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc... - Ảnh: VGP/Thu Sa

Hai nền kinh tế có tính bổ sung, bổ trợ lẫn nhau

Về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Phó Thủ tướng khẳng định mối quan hệ đã trải qua hơn nửa thế kỷ với những dấu ấn hợp tác sâu rộng và hiệu quả, trong đó hợp tác về KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tiếp tục là trụ cột quan trọng.

Nhật Bản là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao, với hàng loạt dự án hợp tác về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, bán dẫn và chuyển đổi xanh.

Ngược lại, Việt Nam có hơn 70 doanh nghiệp và 5.000 kỹ sư IT đang tích cực hoạt động tại Nhật Bản, đóng góp cho sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ và đổi mới sáng tạo của Nhật Bản.

Hai bên đã xác lập hợp tác KHCN, đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực chất lượng cao là trụ cột mới của nội hàm quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện song phương nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Ishiba vào tháng 4/2025 vừa qua.

"Việt Nam và Nhật Bản là hai nền kinh tế có tính bổ sung, bổ trợ lẫn nhau", Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh.

Việt Nam có nền kinh tế năng động, với dân số hơn 100 triệu người, trong đó hơn 52% ở trong độ tuổi lao động và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Cùng với đó là lực lượng kỹ sư công nghệ thông tin chất lượng cao, hơn 1 triệu lao động trong ngành thông tin và truyền thông và hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp công nghệ mỗi năm.

Trong khi đó, Nhật Bản là cường quốc công nghệ toàn cầu, với những thành tựu vượt bậc trong AI, robot, bán dẫn và công nghệ xanh. Các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ sở hữu những bí quyết công nghệ tiên tiến mà còn có kinh nghiệm quản lý và tầm nhìn chiến lược trong việc ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức toàn cầu.

Theo Phó Thủ tướng, sự kết hợp giữa nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo của Việt Nam và công nghệ, kinh nghiệm của Nhật Bản sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, mang lại lợi ích to lớn cho cả hai quốc gia.

Việt Nam - Nhật Bản: Cùng tạo nên xung lực mới, làn sóng mới trong chuyển đổi số- Ảnh 3.

 

Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam tại Nhật Bản (VADX Japan) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) của Việt Nam trao Biên bản ghi nhớ về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp - Ảnh: VGP/Thu Sa

Định hướng hợp tác

Về hướng phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đưa ra một số khuyến nghị.

Thứ nhất, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ chiến lược, công nghệ lõi. Việt Nam mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong các lĩnh vực như AI, dữ liệu lớn (Big data), an ninh mạng và công nghệ bán dẫn, điện toán đám mây, 5G/6G...

Theo đó, đề nghị các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp Nhật Bản tích cực hợp tác với phía Việt Nam, trong đó có Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) để cùng phát triển các dự án nghiên cứu chung, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Thứ hai, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực số. Việt Nam mong muốn Nhật Bản hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực số chất lượng cao thông qua các chính sách, chương trình liên kết các cơ sở đào tạo giữa hai nước, chia sẻ giáo trình, trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh, đào tạo kỹ sư và chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống giáo dục số.

Việt Nam - Nhật Bản: Cùng tạo nên xung lực mới, làn sóng mới trong chuyển đổi số- Ảnh 4.

 

Phó Thủ tướng và các đại biểu dự "Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2025 tại Nhật Bản" - Ảnh: VGP/Thu Sa

Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và ổn định để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ số, đặc biệt là bán dẫn, AI, phát triển phần mềm và các dịch vụ số.

Thứ tư, thúc đẩy hợp tác trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Việt Nam và Nhật Bản có thể hợp tác trong các dự án ứng dụng công nghệ số để quản lý năng lượng, phát triển thị trường tín chỉ carbon, giảm phát thải và phát triển nông nghiệp thông minh, góp phần thực hiện các cam kết tại COP26 và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Thứ năm, tăng cường phối hợp trong đảm bảo an toàn và an ninh mạng. Trong một thế giới số, an ninh mạng là yếu tố sống còn. Việt Nam đề nghị Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ xây dựng các khung pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật và hệ thống bảo mật để bảo vệ dữ liệu và hạ tầng số.

Việt Nam - Nhật Bản: Cùng tạo nên xung lực mới, làn sóng mới trong chuyển đổi số- Ảnh 5.

 

Phó Thủ tướng thăm triển lãm và nghe Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC Hồ Thanh Tùng giới thiệu về giải pháp công nghệ của Tập đoàn - Ảnh: VGP/Thu Sa

Hưởng ứng tinh thần của "Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2025 tại Nhật Bản", Phó Thủ tướng kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp, nhà khoa học, đến người dân Nhật Bản, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản hãy cùng nhau tạo nên một xung lực mới, một làn sóng mới cho trong lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số giữa hai nước.

Chính phủ Việt Nam, chúng tôi cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông các điểm nghẽn và huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số. Qua đó, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai quốc gia và góp phần vào sự phát triển chung của khu vực và thế giới.

Cũng tại sự kiện, Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đã chứng kiến lễ trao 5 MOU giữa các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức…

Xem nhiều nhất

Thủ tướng làm việc với các tập đoàn, liên đoàn doanh nghiệp Brazil

Tin quốc tế 1 ngày trước

Thủ tướng tiếp ông Celso Nunes Cio, Giám đốc sáng tạo của Alterosa MK - Ảnh: VGP/Nhật BắcTại các cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin về tình hình, các định hướng lớn, các ưu tiên phát triển, cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam và quan hệ hữu nghị đang rất tốt đẹp giữa Việt Nam – Brazil, đặc biệt khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào tháng 11/2024.Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp góp phần cụ thể hóa nền tảng chính trị - ngoại giao rất tốt đẹp giữa hai nước thành các biện pháp kinh tế, kết nối doanh nghiệp, kết nối hai nền kinh tế, đưa tình bạn, tình hữu nghị, sự chân thành giữa Brazil và Việt Nam kết tinh thành sản phẩm, kết quả cụ thể.Cho biết các bên đang thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Khối MERCOSUR, cũng như với Brazil và Hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư Việt Nam – Brazil, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các tập đoàn, hiệp hội, liên đoàn doanh nghiệp Brazil đóng góp để các hiệp định này sớm được ký kết, tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp hợp tác, làm ăn.Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn, Alterosa MK sẽ là cầu nối kết nối hợp tác, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương giữa hai nước trong những lĩnh vực công nghệ cao - Ảnh: VGP/Nhật Bắc* Tại cuộc gặp Thủ tướng, ông Celso Nunes Cio, Giám đốc sáng tạo của Alterosa MK cho biết công ty là liên doanh giữa Tập đoàn Alterosa (Brazil) và Tập đoàn MK của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giải pháp thanh toán và các sản phẩm thẻ thanh toán, thẻ thông minh và các dịch vụ công nghệ tài chính; mong muốn Chính phủ hai bên tạo điều kiện để liên doanh này mở rộng đầu tư thuận lợi hơn.Đánh giá cao vị thế, vai trò của Tập đoàn Alterosa tại thị trường Brazil và những nỗ lực của Tập đoàn MK trong việc mở rộng thị trường tại khu vực Châu Mỹ Latin nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Brazil, hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được xác định là một trong những trọng tâm trong nội hàm quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn tới.Hoan nghênh vai trò tiên phong của Tập đoàn MK khi đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác đầu tư có hiệu quả tại nước ngoài nói chung và tại Brazil nói riêng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tập đoàn MK và Tập đoàn Alterosa, trong quá trình hợp tác đầu tư với các đối tác, doanh nghiệp Brazil, tiếp tục quan tâm đến đời sống người lao động, đóng góp tích cực hơn nữa cho phát triển cộng đồng và sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung của Brazil và Việt Nam.Giới thiệu về thẻ căn cước của Việt Nam tích hợp nhiều tính năng, công cụ, dữ liệu, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Tập đoàn MK và Alterosa phát triển các sản phẩm thẻ thanh toán, thẻ thông minh và các dịch vụ công nghệ tài chính… cung cấp cho thị trường Brazil. Đồng thời với mạng lưới đối tác lớn, Alterosa MK sẽ là cầu nối kết nối hợp tác, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương giữa hai nước trong những lĩnh vực công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu hợp tác phát triển trong kỷ nguyên mới.Thủ tướng làm việc với Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp bang Rio de Janeiro (FIRJAN), ông Luiz Césio Caetano - Ảnh: VGP/Nhật Bắc* Thủ tướng cũng có cuộc làm việc với Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp bang Rio de Janeiro (FIRJAN), ông Luiz Césio Caetano.Ông cho biết, với vai trò là cầu nối giữa khu vực tư nhân và Chính phủ, FIRJAN hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.FIRJAN cũng quản lý các chương trình đào tạo nghề, nghiên cứu kinh tế, phát triển bền vững và hợp tác quốc tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển công nghiệp của Brazil và tăng cường kết nối với các nền kinh tế đối tác trên toàn cầu. Với khoảng 8.000 doanh nghiệp trong mạng lưới, FIRJAN mong muốn là cầu nối để kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Brazil, thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh, góp phần kết nối hai nền kinh tế.Đánh giá cao những đóng góp tích cực của FIRJAN trong việc kết nối doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy hợp tác công nghiệp, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp xanh, đặc biệt đã phối hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Brazil vào tháng 11/2024, Thủ tướng Chính phủ cho biết, từ các hoạt động của FIRJAN, hiện nay đang có một số doanh nghiệp Brazil tiến hành thủ tục đầu tư hàng trăm triệu USD vào Việt Nam.Thủ tướng mong FIRJAN sẽ tiếp tục phát huy vai trò kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp công nghiệp và công nghệ của Brazil tới hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu - Ảnh: VGP/Nhật BắcThông tin về quan hệ hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh vai trò cầu nối của FIRJAN trong việc thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Brazil, đặc biệt từ bang Rio de Janeiro, đến tìm hiểu, đầu tư và mở rộng hợp tác với Việt Nam.Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam là nền kinh tế mở, có môi trường chính trị ổn định, dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào, chi phí cạnh tranh và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đồng thời là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP…), mở ra không gian thị trường rộng lớn.Do đó, Thủ tướng mong FIRJAN sẽ tiếp tục phát huy vai trò kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp công nghiệp và công nghệ của Brazil tới hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu như sản xuất chế biến - chế tạo, năng lượng sạch, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sáng tạo, logistics, đào tạo kỹ thuật và chuyển đổi số; đề nghị FIRJAN hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Rio de Janeiro nói riêng và Brazil nói chung.Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin về quan hệ hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật BắcThủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn FIRJAN thiết lập cơ chế hợp tác thường xuyên với các hiệp hội ngành hàng, các khu công nghiệp và cơ quan xúc tiến đầu tư của Việt Nam; khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ đồng hành, hỗ trợ FIRJAN và cộng đồng doanh nghiệp bang Rio de Janeiro trong quá trình tiếp cận thị trường và triển khai các dự án hợp tác tại Việt Nam, trên tinh thần cùng thắng, minh bạch và phát triển bền vững.* Đây là hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil. Tối cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam rời Rio de Janeiro về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác./.Hà Văn