Thủ tướng yêu cầu tập trung ứng phó nguy cơ mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét và chủ động phòng chống thiên tai

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 76/CĐ-TTg ngày 28/5/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó nguy cơ mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét và chủ động phòng chống thiên tai trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu tập trung ứng phó nguy cơ mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét và chủ động phòng chống thiên tai- Ảnh 1.

Các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó nguy cơ mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét và chủ động phòng chống thiên tai trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2025 đến nay, thiên tai đã làm 29 người chết và mất tích, 67 nhà bị sập đổ, 2.342 nhà bị tốc mái, hư hại. Trong tháng 5 năm 2025 đã xuất hiện nhiều đợt mưa lớn (đặc biệt là đợt mưa lớn lịch sử trong tháng 5 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vừa qua), gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở một số địa phương, thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.

Hiện nay, chuẩn bị mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra thiên tai, bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét ở mức cao. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều tối ngày 28 đến ngày 30 tháng 5 năm 2025 có thể xảy ra đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (cục bộ có nơi trên 250mm), nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Trong bối cảnh hiện nay các địa phương đang tập trung sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, để chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tập trung chỉ đạo, chủ động kiểm tra, đôn đốc và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn, không để bị động, bất ngờ, không để gián đoạn trong công tác ứng phó với thiên tai khi sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Hoàn thiện phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan (nhất là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã hiện nay) theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục bám sát tình hình, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần chủ động, kịp thời nhất, quyết liệt nhất, phù hợp với thực tế ở địa phương, với mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không để xảy ra gián đoạn trong chỉ đạo ứng phó với thiên tai khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Khẩn trương rà soát, xây dựng phương án tổ chức lại lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn ở cấp tỉnh và cấp cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả từ ngày 01 tháng 7 năm 2025 (sau khi cấp huyện kết thúc hoạt động).

Rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, bão, ngập lụt; tập trung khắc phục ngay những nguy cơ đã được nhận diện qua cơn bão Yagi năm 2024, xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó, bảo vệ các trọng điểm xung yếu, không để bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra.

Kiện toàn cơ quan thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai để dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng và người dân biết chủ động triển khai ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Chỉ đạo các địa phương rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai, bảo đảm phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương và vận hành của chính quyền địa phương 2 cấp.

Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ khẩn trương rà soát, hướng dẫn các địa phương kiện toàn cơ quan thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Bảo đảm an toàn cho các hồ đập thủy điện

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo bảo đảm cung cấp điện, triển khai các biện pháp cần thiết chủ động bảo đảm an toàn cho các hồ đập thủy điện, tập trung khắc phục ngay những nguy cơ đã được nhận diện qua cơn bão Yagi năm 2024 đối với hệ thống truyền tải điện, hồ đập thủy điện (trong đó có thủy điện Thác Bà); phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo vận hành các hồ thủy điện bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện, đồng thời sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước phục vụ phát điện trong các tháng cao điểm nắng nóng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo rà soát, triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông và các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng khi có tình huống thiên tai, kịp thời khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là các tuyến quốc lộ, trục giao thông chính.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn địa phương kiện toàn cơ quan thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng chống thiên tai và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; chỉ đạo các Quân khu, các lực lượng đóng trên địa bàn rà soát, xây dựng phương án, chủ động huy động lực lượng, phương tiện để phối hợp với địa phương và các lực lượng có liên quan triển khai công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương, nhất là lực lượng công an ở cơ sở xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai hỗ trợ Nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống.

Tăng cường truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai cho Nhân dân

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng Giám đốc: Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất cho Nhân dân; cập nhật thông tin, đưa tin kịp thời, chính xác khi có tình huống thiên tai để Nhân dân biết, chủ động ứng phó phù hợp.

Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống thiên tai thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, kịp thời hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục khi có tình huống xảy ra.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương triển khai thực hiện công điện này và tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phù hợp với diễn biến tình hình.

Văn phòng Chính phủ theo theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh./.

 

Bình luận bài viết

Chưa có bình luận nào.

Xem nhiều nhất

Phát hiện thuốc trị hen phế quản giả

Thông tin tuyên truyền 1 ngày trước

Ngày 29/5, Cục Quản lý Dược thông báo như trên sau khi Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm thực phẩm Hà Nội có kết quả kiểm tra mẫu sản phẩm lấy tại nhà thuốc An An ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.Nhãn thuốc ghi Theophylline Extended Release Tablets 200 mg (Theophylin 200 mg), số lô 21127, ngày sản xuất 26/2/2022 và hạn dùng 26/2/2026, nơi sản xuất Pharmacy Laboratories Plus. Nhãn sản phẩm không có thông tin về số giấy đăng ký lưu hành, số giấy phép nhập khẩu, cơ sở nhập khẩu. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy chỉ tiêu định lượng Theophylin chỉ đạt 6,3% so với hàm lượng ghi trên nhãn.Vì vậy, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các địa phương kiểm tra, truy tìm nguồn gốc thuốc giả trên. Đồng thời, các trung tâm kiểm nghiệm lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành đối với thuốc có nguy cơ bị làm giả hoặc kém chất lượng. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TP Hà Nội phối hợp công an, quản lý thị trường và các cơ quan chức năng kiểm tra nhà thuốc An An, truy tìm nguồn gốc lô sản phẩm có thông tin như trên và xử lý.Các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân được khuyến cáo không mua bán, dùng sản phẩm trên, báo cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh, do vậy yêu cầu quản lý nghiêm ngặt. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn được quy định tại Luật Dược và các văn bản pháp luật liên quan. Hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả bị nghiêm cấm. Người sản xuất, buôn bán thuốc giả có thể bị xử lý hình sự thấp nhất từ hai năm tù, cao nhất là tử hình. Công an Thanh Hóa phát hiện thuốc giả hồi tháng 4. Ảnh: Lam SơnThời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả... Tuần trước, Bộ Y tế yêu cầu điều tra nguồn gốc lô thuốc dạ dày giả ghi nhãn NEXIUM 40 mg Enterik Kapli Pellet Tablet (Esomeprazol) do không đạt chất lượng. Hồi giữa tháng 4, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn và bắt giữ 14 người.Bộ Y tế đã thành lập 15 tổ kiểm tra đột xuất lĩnh vực dược, mỹ phẩm, y dược cổ truyền, sữa, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế... Hoạt động kiểm tra diễn ra trong tháng cao điểm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ nay đến 15/6. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định quan điểm xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả trong lĩnh vực y tế là không vùng cấm, không ngoại lệ. Đồng thời, cá nhân, tổ chức, người quản lý nếu có dấu hiệu buông lỏng hoặc tiếp tay vi phạm sẽ bị truy trách nhiệm.